Hàn Quốc: Kinh tế suy thoái, nghề bói toán lên ngôi
Theo thống kê, số lượng pháp sư, thầy bói ở Hàn Quốc đã lên tới hơn 1 triệu người, tăng chóng mặt trong vòng 10 năm qua.
Những con số này phản ánh một thực tế của xã hội Hàn Quốc rằng, khi nền kinh tế suy thoái, nghề pháp sư, thầy bói lại lên ngôi. Ở Hàn Quốc, muốn hành nghề pháp sư hay thầy bói thì phải có chứng chỉ, bằng cấp. Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, việc thi lấy bằng và cấp chứng chỉ hành nghề cho pháp sư, thầy bói trở nên phát triển và tiêu chuẩn được hạ thấp. Điều tương tự diễn ra với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008.
Liên đoàn Pháp sư Hàn Quốc và Hiệp hội Thầy bói Hàn Quốc tuyên bố có tổng cộng gần 1 triệu thành viên. Đây là hai nghiệp đoàn có số lượng thành viên đông nhất với mỗi tổ chức có khoảng 300.000 thành viên đăng ký chính thức và 200.000 thành viên không đăng ký. Số lượng thành viên này tăng gấp đôi trong hơn 10 qua. Năm 2006, số lượng thành viên của Hiệp hội Pháp sư Hàn Quốc chỉ là 140.000 người.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, những người hành nghề tôn giáo năm 2011 gồm 14.483 giáo sĩ Tin lành, 46.905 nhà sư và 15.918 giáo sĩ Cơ đốc giáo. Pháp sư và thầy bói không được coi là những người hành nghề tôn giáo. Họ được đưa vào hạng mục những người hành nghề dịch vụ.
Ông Jo Sung-je, Viện trưởng Viện Văn hóa Mucheon, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về Shaman giáo ở Hàn Quốc, nói: "Khi kinh tế suy thoái, các trung tâm bói toán cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số lượng người hành nghề tâm linh lại lên ngôi. Khi nhiều gia đình liên tục gặp phải khó khăn về kinh tế, nhiều người được cho là có liên hệ với thế giới tâm linh và trở thành pháp sư".
Shaman giáo Hàn Quốc là một hình thức tôn giáo phổ biến và có lịch sử hàng ngàn năm. Trước khi các dòng tôn giáo chính như Phật giáo, Khổng giáo du nhập vào Hàn Quốc, Shaman giáo đã hình thành nền móng vững chắc trong đời sống tín ngưỡng của người dân Hàn Quốc. Niềm tin và các vị thần phù hộ cho gia đình là một điều khá quan trọng trong đời sống của người dân Hàn Quốc, đặc biệt ở nông thôn, nơi người vợ thường đảm đương công việc như một pháp sư. Người dân Hàn Quốc hiện đại thường có cái nhìn hai chiều về Shaman giáo, thậm chí họ còn có ý thức từ bỏ tôn giáo này, nhưng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng Shaman giáo trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi cuộc sống kinh tế trở nên bí bách, họ lại tìm đến các pháp sư như là người dẫn đường chỉ lối cho họ.
Pháp sư và thày bói đều có mục tiêu như nhau, nhưng cách hành nghề của họ khác nhau. Các pháp sư Hàn Quốc (được gọi là mudang, thường là nữ) được cho là có thể đoán tương lai của con người nhờ vào khả năng giao tiếp với thần linh. Trong khi đó, thày bói lại sử dụng thuật xem tướng hay triết học phương Đông để đoán hậu vận.
Nhận xét
Đăng nhận xét